Kết quả và đánh giá Chiến_dịch_Mãn_Châu_(1945)

Kết quả quân sự

Từ ngày 19 đến hết ngày 20 tháng 8 năm 1945, hầu hết các đơn vị của Đạo quân Quan Đông đã ra hàng và giao nộp vũ khí cho Quân đội Liên Xô. Một số đơn vị lẻ trên đảo Sakhalin tiếp tục cầm cự đến ngày 25 tháng 8 do lệnh đầu hàng đến muộn; các đơn vị tại Quần đảo Kuril thì đến đầu tháng 9 mới đầu hàng hết khi các đội đổ bộ của Liên Xô đến[131]. Toàn bộ quân nhân Nhật Bản ra hàng ở Mãn Châu gồm có 148 tướng, 594.000 sĩ quan và binh sĩ. Quân đội Liên Xô thu giữ 861 máy bay, 372 xe tăng, 1.434 khẩu pháo, 379 đầu máy xe lửa, 9.129 xe quân sự, rất nhiều kho tàng lương thực, thực phẩm, thiết bị quân sự và quân nhu các loại[132].

Ở phía Nam, Quân đội Liên Xô chiếm đóng Quân cảng Lữ Thuận, vốn là quân cảng cũ của Đế quốc Nga giai đoạn 1900-1905, đến năm 1950 thì trao trả lại cho Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Một phần số vũ khí, phương tiện chiến tranh mà Liên Xô sử dụng trong chiến dịch Mãn Châu cùng với số chiến lợi phẩm tịch thu được của Đạo quân Quan Đông đã được để lại cho Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, gồm 3.700 pháo và súng cối, 600 xe tăng, 861 máy bay, 1.200 súng máy cộng đồng và gần 680 kho hàng quân sự các loại.[131]

Ngoài các kết quả quân sự đó, Quân đội Liên Xô còn thu giữ một số tài liệu liên quan đến Đơn vị 731 ở toà nhà Tổng Hành dinh Đạo quân Quan Đông, từ đó phát hiện ra các phòng thí nghiệm vũ khí sinh học và hành vi thử nghiệm trên 10.000 tù binh chiến tranh và dân thường[133]. Tại Toà án Quốc tế truy tố các tội phạm chiến tranh Nhật Bản tại Khabarovsk, Tosihidz Nisi, một trong các chuyên gia về vũ khí vi trùng đã khai nhận: Các tù nhân (Trung Quốc) đều được gây thương tích phần mềm bằng những kíp nổ nhỏ có gắn thuốc gây hoại thư. Sau một tuần, tất cả họ đều chết trong những cơn đau đớn kinh khủng.[134]. Cũng tại toà án này, Đại tướng Yamada Otozō xác nhận "Quân đội Liên Xô tiến quân quá nhanh vào Mãn Châu khiến chúng tôi không kịp sử dụng vũ khí sinh học chống Liên Xô và các nước khác"[134].

Kết quả chính trị

Trung tướng K. N. Derevianko đại diện Chính phủ Liên Xô ký biên bản xác nhận đầu hàng của Đế quốc Nhật Bản trên chiếc thiết giáp hạm USS Missouri của hải quân Mỹ

Ngày 2 tháng 9 năm 1945, trên thiết giáp hạm Missouri neo đậu trên vịnh Tokyo, Bộ trưởng Ngoại giao Mamoru Shigemitsu và Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Yoshijirō Umezu đã đại diện cho Đế quốc Nhật Bản, ký vào văn bản đầu hàng vô điều kiện trước sự chứng kiến của đại diện các nước Đồng Minh.[135] Trong quá trình chấp nhận đầu hàng của Đế quốc Nhật Bản, một số sử gia cho rằng chiến dịch Mãn Châu cùng với 2 quả bom nguyên tử ném xuống Nhật Bản là 2 nguyên nhân trực tiếp.[136]

Sự tan rã của Đạo quân Quan Đông kéo theo sự sụp đổ của Quân đội và chính quyền bù nhìn Mãn Châu Quốc. Hoàng đế Khang Đức của Mãn Châu Quốc bị bắt về Liên Xô (sau đó ông ra tòa làm chứng về các tội phạm chiến tranh của Nhật, và được trao trả cho chính phủ Trung Quốc). Tuy nhiên, kết quả quan trọng nhất đối với Liên Xô là lấy lại phần lãnh thổ ở Nam Sakhalin, chiếm đóng và chính danh hoá cho sự chiếm đóng ở Quần đảo Kuril, qua đó làm chủ tuyến đường biển Pérouse Strait và mở thông đường ra Thái Bình Dương.[137]

Cùng với sự đầu hàng của Đế quốc Nhật Bản, nhiều nước ở châu Á bị Nhật chiếm đóng đã được giải phóng hoặc đứng lên giành độc lập. Cộng hòa Indonesia tuyên bố độc lập ngày 17 tháng 8 năm 1945. Philippine được Quân đội Hoa Kỳ giải phóng, Malaysia được Quân đội Anh và Úc giải phóng. Bắc Triều Tiên do Quân đội Liên Xô giải phóng. Nam Triều Tiên do quân đội Hoa Kỳ giải phóng.[138] Myanma, Campuchia, Lào cũng thoát khỏi ánh đô hộ của Nhật Bản. Ở Việt Nam, Đế quốc Nhật Bản đầu hàng đã tạo tiền đề cho Cách mạng Tháng Tám thành công, dẫn tới sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập đánh dấu sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ngày 2 tháng 9 năm 1945.[139]

Tranh luận về vai trò của chiến dịch

Cho đến nay, việc đánh giá vai trò của Chiến dịch Mãn Châu đối trong quá trình chấp nhận đầu hàng của Đế quốc Nhật Bản trong Chiến tranh Thái Bình Dương vẫn còn gây tranh cãi giữa các nhà sử học. Ở Hoa Kỳ, câu hỏi về tính chính đáng trong việc sử dụng vũ khí nguyên tử nhiều lần được khơi dậy, dẫn tới xu hướng chính thống hoá quan điểm của tác giả Robert J. C. Butow, cho rằng 2 quả bom nguyên tử ném xuống Hiroshima và Nagasaki là nguyên nhân quyết định đưa đến việc Nhật Bản sớm đầu hàng[140]. Quan điểm này cũng được ủng hộ bởi các tác giả Hoa Kỳ có uy tín khác là Richard Frank (Downfall: The End of the Imperial Japanese Empire - New York: Random House, 1999) và Robert A. Pape, (Why Japan Surrendered International Security, 18, No. 2, 1993)[141].

Tuy nhiên, cũng có những quan điểm khác. Bản thân cựu Thủ tướng Anh Churchill trong tác phẩm The Second World War đã cho rằng Sẽ sai lầm nếu cho rằng số phận của Nhật Bản là do những quả bom nguyên tử quyết định[142]. Tuy nhiên ông cũng không nói do Liên Xô tấn công mà Nhật phải đầu hàng. Tác giả người Mỹ gốc Nhật Tsuyoshi Hasegawa đưa ra 2 luận điểm: việc Liên Xô tham chiến đã làm sụp đổ chiến lược kéo dài chiến tranh của phe chủ chiến Nhật Bản; diễn tiến quá nhanh của chiến dịch làm dấy lên lo ngại bị Liên Xô chiếm đóng, chủ nghĩa cộng sản có cơ hội khuếch trương ở Nhật. Ông cho rằng 2 điểm này chính là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới quyết định đầu hàng của Đế quốc Nhật Bản[143].

Nhưng một câu hỏi khác - liệu việc Liên Xô tham chiến chống Nhật Bản có cần thiết và có chính đáng hay không - cũng là một khía cạnh gây tranh luận. Ở Liên Xô trước đây, quan điểm lịch sử chính thống là coi Chiến dịch Mãn Châu như là một phần của cuộc Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại, đồng thời Liên Xô có vai trò quốc tế to lớn trong việc giải phóng các nước châu Á khỏi ách đô hộ của chủ nghĩa phát xít Nhật[141]. Quan điểm này vẫn được số đông các sử gia Nga sau thời kỳ perestroika đồng thuận. Tuy nhiên, cũng có những quan điểm ngược dòng nhận được sự đồng thuận rộng rãi ở ngoài nước Nga[141] mà tiêu biểu là của sử gia Nga B.N. Slavinsky. Ông cho rằng động cơ tham chiến của Liên Xô gồm 2 thành tố chính: trả đũa cho thất bại của Đế quốc Nga năm 1904-1905 và lợi ích địa chính trị ở Viễn Đông[144].

Tuy nhiên, hoạt động quân sự của Quân đội Liên Xô tại Mãn Châu đã được các nước đồng minh Mỹ, Anh và Liên Xô thỏa thuận tại Hội nghị Potsdam tổ chức từ ngày 17 tháng 7 đến 2 tháng 8 năm 1945. Trong hội nghị đó, phía Liên Xô đã thông báo kế hoạch quân sự tại Viễn Đông, xác nhận Liên Xô sẵn sàng thực hiện cam kết Yalta. Là một bên cam kết mở mặt trận chống Đế quốc Nhật Bản, Liên Xô không thể không thực hiện cam kết đó, một cam kết có tính chất quốc tế ở thời điểm đặc biệt quan trọng và nhạy cảm. Hậu quả chính trị, quân sự và quan hệ quốc tế sẽ rất tồi tệ nếu Liên Xô không thực hiện cam kết của mình cũng như khả năng chiến tranh sẽ còn tiếp tục kéo dài.[12]

Theo quan điểm của nhà nghiên cứu và nhà hoạt động chống vũ khí hạt nhân người Mỹ Ward Wilson thì việc Nhật Bản đầu hàng có nguyên nhân chính là từ Chiến dịch Mãn Châu của Liên Xô chứ không phải do 2 quả bom nguyên tử của Mỹ. Theo ghi chép của các nhân chứng, quyết định đầu hàng của Hội đồng Tối cao Nhật Bản đã được Thiên Hoàng quyết định vào ngày 9 tháng 8, trong khi vụ ném bom Nagasaki diễn ra vào cuối buổi sáng ngày 9 tháng 8, sau khi Hội đồng Tối cao đã bắt đầu họp bàn chuyện đầu hàng. Ward Wilson cho rằng vụ ném bom Hiroshima cũng không phải là lý do Nhật đầu hàng, vì báo cáo sơ bộ của nhóm điều tra Lục quân Nhật về vụ ném bom Hiroshima đã không được trình nộp cho đến ngày 10 tháng 8, trước hôm đó thì Hội đồng Tối cao Nhật Bản chưa hề biết Mỹ đã dùng bom nguyên tử. Ward Wilson cho rằng Nhật Bản đã quyết định đầu hàng từ trước khi lãnh đạo của họ nhận ra sự tàn phá của bom nguyên tử đối với Hiroshima và Nagasaki.

Theo Ward Wilson, các nhà lãnh đạo Nhật từ lâu đã kết luận: có thể đánh một trận quyết định chống lại một đại cường quốc tiến công từ một hướng, song không thể nào đánh lui hai đại cường quốc tiến công từ hai hướng khác nhau. Trong một cuộc họp của Hội đồng Tối cao vào tháng 6 năm 1945, họ đã nói rằng sự tham gia của Liên Xô vào cuộc chiến “sẽ quyết định số phận của cả Đế quốc”. Cũng trong cuộc họp đó, Phó Tổng Tham mưu Lục quân Kawabe đã nói rằng “Duy trì tuyệt đối hòa bình trong quan hệ của chúng ta với Liên Xô là hết sức quan trọng nếu muốn tiếp tục cuộc chiến”. Chiến dịch Mãn Châu của Liên Xô đã làm tan biến mọi hy vọng kháng cự của Nhật Bản, dù họ còn chưa biết về việc Mỹ ném bom nguyên tử. Ward Wilson đưa ra kết luận cho rằng "chiến dịch của Liên Xô có ý nghĩa chiến lược quyết định khiến Nhật Bản đầu hàng, còn 2 vụ ném bom nguyên tử của Mỹ thì không" [145].

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Chiến_dịch_Mãn_Châu_(1945) http://www.chinadaily.com.cn/en/doc/2003-10/17/con... http://foreignpolicy.com/2013/05/30/the-bomb-didnt... http://ww2db.com/photo.php?source=all&color=all&li... http://usacac.army.mil/cac2/cgsc/carl/download/csi... http://kiuchi.jpn.org/vn/nobindex.htm //www.worldcat.org/issn/0195-3451 http://militera.lib.ru/h/shihsov_av/10.html http://militera.lib.ru/memo/other/akiyama_h/index.... http://rkka.ru/maps/tv25.gif http://www.sakhalin.ru/Region/WORLDWAR2/KotonMap.h...